Những huyệt đạo trên bàn chân có vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Trên lòng bàn chân có hơn 300 huyệt đạo khác nhau. Bàn chân thường được ví như một bản đồ thu nhỏ của cả cơ thể. Day bấm các huyệt đạo bàn chân vừa cho tác dụng thư giãn gân cốt, vừa đả thông kinh mạch. Cách làm này cũng giúp giảm đau hiệu quả và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Bàn chân con người có rất nhiều huyệt đạo, mỗi vị trí lại có công dụng đảm bảo các cử động linh hoạt khác nhau và cải thiện sức khỏe một cơ quan trong cơ thể. Do vậy, việc hiểu và ghi nhớ vị trí các huyệt đạo trên bàn chân giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe hiện tại và phỏng đoán được phần nào bệnh lý mình có thể đang mắc phải.
- Huyệt Dũng tuyền
Huyệt dũng tuyền có khả năng cường thận, đào thải độc thận và cân bằng cơ thể. Huyệt có vị trí nằm ở phần trũng gan bàn chân, cách 1/3 về phía trước.
Cách day bấm huyệt dũng tuyền: Ấn và day nhẹ lên vị trí huyệt trong khoảng 5 phút. Bạn lưu ý thực hiện bấm huyệt vào buổi sáng sau khi uống một cốc nước ấm để tăng khả năng thanh lọc của thận.
- Huyệt Bát phong
Huyệt bát phong gồm 8 huyệt nằm ở kẽ các đốt ngón chân. Huyệt này hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về khớp, viêm đốt ngón chân, cước chân rất hiệu quả.
Liệu pháp châm cứu thường được thực hiện trên các huyệt này để xoa dịu tình trạng bàn chân sưng đỏ, sưng đau, tê thấp hoặc chẩn thấp.
- Huyệt Thương khâu
Vị trí: Nằm ở dưới hõm mắt cá chân, phía bên trong
Công dụng: Kích thích khí huyết lưu thông từ lá lách tới các kinh mạch. Huyệt thương khâu có sự kết nối chặt chẽ với hệ tiêu hóa, đặc biệt hiệu quả trong việc đẩy lui các chứng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón…
Day bấm huyệt cho đến khi chân có cảm giác tê mỏi thì ngưng. Thực hiện bấm huyệt đều đặn mỗi ngày từ 3 đến 5 lần cho mỗi bên chân.
- Huyệt Thái xung
Huyệt thái xung nằm trên mu bàn chân, cách hai thốn tính từ khe ngón chân cái và ngón áp cái. Day bấm huyệt Thái xung là cách thức hiệu quả để điều hòa cơ thể, hạ huyết áp, và điều trị rối loạn giấc ngủ, kinh nguyệt không đều, ù tai, hen suyễn, viêm phế quản, đau khớp cổ chân và tiểu bí.
Cách thực hiện là ấn một lực vừa phải bằng ngón cái lên huyệt trong khoảng 4 phút. Dừng lại khi huyệt đã có cảm giác đau.
- Huyệt Nội đình
Huyệt hỗ trợ điều trị đau răng hàm dưới, đầy bụng khó tiêu, liệt dây thần kinh ngoại biên số VII, chảy máu cam, sốt cao,... rất hiệu quả
Huyệt nằm tại điểm nối thân và đầu sau xương đốt 1 của ngón chân thứ 2, ngay giữa kẽ ngón chân thứ 2 và thứ 3.
Day bấm và giữ huyệt trong vòng 3 phút rồi lặp lại tương tự với chân kia.
- Huyệt Giải khê
Huyệt có vị trí nằm ở điểm chính giữa nếp gấp cổ chân, ngay phần lõm giữa gân cơ duỗi ngón chân thứ hai và gân cơ duỗi dài ngón cái. Xoa bóp huyệt giải khê là cách thức hiệu quả để điều trị các bệnh về xương khớp, tê liệt chân tay, hoặc đau thần kinh tọa.
Cách bấm huyệt là ấn và day huyệt nhẹ nhàng, tùy vào mức độ của bệnh lý thực hiện khoảng 1 đến 3 phút. Đồng thời, kết hợp với các động tác xoa bóp thư giãn để tăng hiệu quả.