Chuột rút hay ở nhiều nơi còn gọi là “vọp bẻ” là tình trạng cơ bị co rút đột ngột gây đau và co cứng khiến nhất thời chúng ta không thể cử động ở bộ phận hay vị trí đó.
Chuột rút thường xảy ra nhiều nhất ở bàn chân với triệu chứng các ngón chân bị cứng đơ, co quắp và đau đớn; không thể cử động chân và các ngón chân. Ngoài ra, chuột rút có thể xảy ra ở bàn tay, các ngón tay hoặc một số vùng cơ thể khác như mông, lưng…
Nguyên nhân gây chuột rút chủ yếu là do cơ bị áp lực, mệt mỏi quá mức do vận động, như: đi, đứng, chạy nhiều; bơi lâu trong nước lạnh; trước khi tập luyện thể dục thể thao không khởi động kỹ…Chuột rút cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý về dây thần kinh; giãn tĩnh mạch; thiếu canxi…
Chuột rút thường đột ngột xuất hiện và sẽ tự qua đi sau một vài phút nên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay công việc, sinh hoạt…Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra chuột rút khi chúng ta đang vận động như đang bơi, đang chạy bộ, đang đi xe…Và ngay cả khi chúng ta đã kịp thời dừng các hoạt động thì chuột rút cũng gây đau đớn dữ dội.
Vì vậy, chúng ta đều rất cần biết một số kỹ thuật để ngăn ngừa bị chuột rút cũng như giảm các triệu chứng khó chịu khi xuất hiện chuột rút. Một trong những phương pháp trị chuột rút hiệu quả và đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện là massage xoa bóp.
Trước hết là động tác vuốt. Khi chuột rút xảy ra ở chân, các bạn hãy nhanh chóng ngồi xuống và thả lỏng cơ thể. Tiếp theo, dùng hai bàn tay ôm và vuốt dọc bắp chân, bắt đầu từ đầu gối đến tận bàn chân với lực phù hợp để làm thưu giãn cơ bắp chân.
Tiếp tục xoa bóp, nắn vỗ bắp chân; làm động tác gập và duỗi khớp gối, khớp cổ chân để giảm co cứng.
Bên cạnh đó, các bạn có thể kết hợp kĩ thuật bấm huyệt ở chân như huyệt Ủy trung nằm ở giữa các nếp ngang khoeo chân; huyệt Thừa sơn nằm ở giữa bắp chân; huyệt Côn lôn; huyệt Thái khê…Cách bấm huyệt là sau khi xác định đúng vị trí huyệt đạo, dùng đầu ngón tay cái day ấn và bấm giữ tại huyệt trong khoảng 30 giây đến 1 phút.
Ngoài massage bấm huyệt, các bạn cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật sau đây:
• Kỹ thuật kéo căng cơ: đứng dựa vào tường hoặc bất cứ vật dụng nào để có điểm tựa chắc chắn; nếu bị chuột rút ở bàn chân hoặc ngón chân, hãy gập gối để kéo chân về phía bụng, tay ôm chặt mắt cá và gót chân 1 lúc.
Nếu bị chuột rút ở bắp chân, hãy đứng thẳng và đưa chân bị chuột rút về phía trước rồi ấn trọng lượng cơ thể đè lên chân bị chuột rút trong khoảng 30 giây.
• Làm ấm cơ bắp: nếu có điều kiện sử dụng túi chườm hoặc chai nước nóng để chườm vào vị trí bị chuột rút cũng là cách giảm đau và thưu giãn cơ nhanh chóng.
• Đi chân trần trên sàn: một cách giảm triệu chứng chuột rút đơn giản là đi chân trần và cố gắng ấn các ngón chân xuống sàn; có thể rất đau nhưng cơn chuột rút sẽ qua nhanh.